7.17.2010

chiện vỉa hè

Hiểu lầm nhỏ quanh cô gái nhỏ
(Chiện định 1200 chữ mà ra 2400 chữ, hichichic)


Nguyễn Ngọc Tư
Giang Hồ Con nói, "chút tui đi lấy thứ quý giá nhất của con nhỏ ho lao đó chơi…". Thèm thuồng nào tươm ra mắt ướt ròng khi nó ngó vuốt theo bóng đứa gái chấp chới khuất dạng trong con hẻm tối. Ông già đang ăn bữa chiều với cháo trắng cùng trứng muối, chực nghẹn. Ông nạt nhỏ, tiếng rung bởi môi rung :

- Bậy, mầy. Con nhỏ đó coi bộ hiền…

- Thì sao ?!

- Tội nghiệp nó…

Ông già nói, giọng đuối như sắp khóc.

Nhưng dân giang hồ tuyệt không biết tới hai từ "tội nghiệp…"
, nhất là thằng Giang Hồ Con. Hồi mới nâng cấp từ bụi đời lên, nó lảng vảng ở khúc đường này với tên Năm Thẹo. Hành nghề móc túi trên xe buýt được ít lâu, nó đổi tên thành Bảy Búa, Chín Cụt… Những cái tên oai hùng rùng rợn này là do nó tự sáng tạo cho kêu, cho thấy trong người nó chỉ chảy độc một dòng máu lạnh. Nhưng có vỗ ngực xưng là trời thì với ông già từng dầm dề sương gió đường phố, thằng nhỏ vẫn là Giang Hồ Con. Bằng chứng là nó đang đói meo từ sáng giờ, sau khi lên xuống bao nhiêu là xe buýt. Vào một ngày người ta bỗng dưng đầy cảnh giác, chẳng để lộ chút sơ hở nào. Vào một ngày chỉ một gói xôi năm ngàn đồng bạc còn kiếm không ra để lót lòng cho qua bữa, đừng nói tới chuyện teo phê tê mê.

Buồn tình, Giang Hồ Con vạ vật chỗ ông già, bòn mót từng điếu thuốc. Khói không đủ no. Nhưng không đủ tắt đi dục vọng bỗng dưng bùng cháy trong người nó. Thằng nhỏ túng tiền, không tiền thì làm gì cho hết cái đêm thênh thang này. Tình cờ đứa con gái chạy xe qua, tình cờ Giang Hồ Con nhìn thấy chút le lói của niềm vui được chiếm đoạt. Nó liếm môi nhắc lại lần nữa, chút đi lấy thứ quý giá nhất của con nhỏ.

Đó là đứa con gái xanh rớt, mảnh khảnh như nhánh trúc. Mỗi lần thấy con nhỏ đạp xe từ con hẻm Từ Hải tuôn ra là ông già thót ruột, cảm giác chút xíu nữa gió bụi trên đường Kiều sẽ làm cô tan vụn. Nhưng cô không tan, chỉ là mòn đi, ngày càng hao khuyết do phải vừa học vừa làm ở xưởng tàu hủ đâu đó trong hẻm. Cả lúc đi học con nhỏ cũng tranh thủ kiếm tiền thêm bằng cách chở theo lặc lè mấy giỏ tàu hủ, sữa đậu nành đi bỏ mối. Giống như con ngựa kéo xe thổ mộ bị che hai bên mắt, nó cắm đầu đi te te dường như không ngó nghiêng ai, ngang qua ông già theo kiểu tờ giấy quyến bay, lắt lay lắt lay. Mấy đứa giang hồ la cà ở chỗ ông già nhận xét "con đó bịnh ban" hay “con nhỏ ho lao”.

Nhưng nhờ cái dáng vẻ bệnh hoạn mà con nhỏ sống yên trong con hẻm dân giang hồ hay lai vãng. Ở đây khuất tối, chằng chịt, nhiều ngoắt ngoéo nhiều ngách trổ ra nhiều con đường… nhưng không ai để ý đứa con gái có vẻ lặng lờ nhạt nhòa chẳng đẹp cũng không quá xấu. Trong suốt.

Không may, đứa con gái đó không tàng hình được mãi. Trong túng quẩn răng vắt không ra bợn cơm, không biết làm gì cho đỡ buồn tay buồn chân một thằng giang hồ đã kết án cho cô. Vừa xong. Dù trước đó không lâu khi ngó đôi tay trắng dởn của con nhỏ do thường ngâm trong nước tẩy, nó nói " thấy hết muốn ăn thịt chuột…". Ông già can không được, thắt ruột như mỗi ngày ngó cô ùa ra ngoài gió bụi. Cái vỉa hè chỗ ông ngồi mỗi ngày nhìn thấy cô gái ít nhất hai lần, vị chi một năm ông gặp nó bảy trăm ba chục bận, chắc chắn nhiều hơn vì có ngày con nhỏ học hai buổi.

Có lần con nhỏ dắt xe ra vá ở chỗ ông. Bữa đó ông hỏi hai câu và con nhỏ trả lời hai câu nhưng gom lại không được miếng nào. Hỏi bây học trường nào. Trả lời : Trường đại học. Hỏi trọ ở chặng nào. Trả lời trong hẻm. Ai mà không biết là trong hẻm, trời ? Nhưng con nhỏ chỉ muốn nói tới đó, cả khi vá xe xong nó chỉ lẳng lặng chìa tiền ra mà không hỏi ông lấy bao nhiêu. Hoặc nó đã biết giá do cái ruột xe đã nhừ những miếng đắp hoặc nói chuyện làm nó mệt. Nhưng lúc quay đi bỗng nó kêu bữa nào chú vô nhà con nấu lẩu mắm ăn chơi. Nhà con đằng trước có chữ “định đẳng cấp quý tộc” với “Mì Caloso – hương vị tuyệt vời”. Định là khẳng định đó, nhưng chữ khẳng bị rách rồi…

Và ông già mon men vô hẻm kiếm nhà con nhỏ, vào một trưa nắng chảy cả nhựa đường. Tiếng đũa reo lắc cắc trên miệng chén, tiếng muỗng chạm phải đáy nồi, và một vầng khói nhỏ xà quần trong mâm cơm thơm lừng mùi mắm... Ông già nghĩ tới những điều đó, ôi chao… Nhưng có tới sáu cái nhà dừng vách bằng hương vị mì gói tuyệt vời và định đẳng cấp quý tộc (vì nhiều lý do không khẳng được, bởi vướng thùng rác hay bị quảng cáo yếu sinh lý dán chồng lên…). Có năm đứa sinh viên làm thêm ở ba xưởng tàu hủ, cả năm đứa đều mỏng dờn. Không biết con nhỏ tên gì ông đứng ngẩn ngơ rồi quay ra, nghe ngột ngạt đâu đó trong mắt, trong cổ họng.

Gần chục năm ông vạ vật ở đầu hẻm này chưa ai từng mời ông tới nhà chơi. Giang hồ không, dân tử tế thì dè dặt với ông bởi ông chơi với… giang hồ. Không phải, là ông kiếm sống nhờ vào tụi nó : những giang hồ bệ rạc, du đãng hết thời. Ban ngày Bảo tàng trong kia mở cửa, ông ne nép bên gốc cây với tủ thuốc lá và cái pit - tông vá xe, đêm tới ông chiếm dụng mái hiên bảo tàng làm nhà làm quán với rượu trắng và vài món cá khô, trứng vịt lộn, đậu phộng rang… Giang hồ tép riu la cà nhậu nhẹt ở chỗ ông lấy dũng khí trước khi đánh quả hay ăn mừng thắng lợi sau đó. Phạm trù thắng lợi cũng mênh mông, có lúc tụi nó gặt được nhiều món nữ trang lấp lánh có lúc thắng lợi là lết được cái thân về dù cả người tả tơi thương tích. Khi đó ông già đem bông băng thuốc đỏ ra bán với giá cắt cổ. “Máu con người ta đâu có rẻ, tụi bây…”, ông nói vậy trong lúc vuốt cho phẳng phiu mấy tờ giấy bạc nhoe nhoét máu, cho vào túi quần đang mặc, sau đó cài năm cây kim tây, dù ông biết giang hồ đè ông ra cướp bất cứ lúc nào.

Nhưng giang hồ không làm vậy, cư dân lai vãng hẻm Từ Hải cũng có thứ đạo nghĩa riêng. Nhiều khi tụi nó cần ông ngồi đó, cho có người hoặc gợi nhớ những hình bóng thâm tình đã xa xôi… Nhất là nửa đêm về sáng, sau khi bay xong nằm ườn thiếp đi trên chiếc chiếu rách dưới bàn tay tẩm quất điêu luyện của lão già có hàng chục cái tên. Kêu Vá Xe ơi ông cũng lên tiếng mà gọi Khô Mực ơi ông già cũng ừ à. Lúc nào cũng lật đật, tận tụy, chắc là vác cái mặt không nổi nên thường lủi thủi cúi gằm. Gần gủi giang hồ mà không ngó ngàng gì tới giang hồ, giữa ông với tụi nó tuyệt không có cái gọi là tình nghĩa. Tiền trao rượu múc. Giang hồ nói chuyện “làm ăn” cũng không sợ bị lộ, dù tiếng lóng ông già rành sáu câu. Trà trộn giữa tụi nó lâu ngày ông biết mình phận mỏng lắm. Người ta có thể bỏ mạng bởi “có cái mặt thấy ghét” theo con mắt thẩm định lé xẹ của giang hồ, chuyện đó ông chứng kiến rồi. Ông muốn tiếp tục kiếm sống ở cái vỉa hè này được chừng nào hay chừng ấy.

Nên ông già không biết làm sao ngăn thằng Giang Hồ Con lại. Vì đứa con gái đó rủ ông tới nhà chơi. Vì con nhỏ vẫn cung cúc chở tàu hủ sữa đậu nành đi bỏ mối khi nhiều đứa con gái khác đêm đêm thành bướm mọc cánh bay ra những khách sạn bên kia đường kiếm tiền son phấn hay học phí kỳ hai.

Con Giấy Quyến sẽ lả tả nát nhừ khi thằng ôn dịch này đụng vào. Ông già nghĩ vậy khi nhìn vào cánh tay lông lá u sù đầy dấu kim của thằng du đãng. Một cái bụng no có làm con quỷ trong nó dừng lại không, trong lúc ông già suy nghĩ thì ngôn ngữ đã dọt ra khỏi miệng rồi "Ăn cháo không mậy ? Tao bao”. Vừa nói ông vừa lẹ làng ngoắc ông bán cháo trắng bên kia. Thằng giang hồ hơi ngạc nhiên, nó chưa từng thấy cha già này cho không ai cái gì, có bữa nó chui vô đắp ké cái mền nỉ hôi rình của ông sáng phải trả bảy ngàn rưỡi.

Nhưng tô cháo bốc khói đặt trước mặt làm nó quên cảnh giác. Ông già kéo ghế ngồi gần thằng giang hồ, bồn chồn hỏi chuyện vẩn vơ, câu giờ. Ngó thằng nhỏ vét muỗng cháo cuối cùng, ông già bỗng hỏi, "Ông bà già mầy sống đâu ? Hỏng chừng má mầy đang chờ cửa…". Chưa hết câu mà hối hận rào ra làm đuối lưỡi, ngờ rằng những lời đó làm thằng nhỏ bỏ đi sớm hơn. Giang hồ con bỗng hằn học gạt tô cháo qua một bên, nói khuya rồi, tui tà tà vô hẻm chơi. Sau mỗi bước chân cái lưng quần nó lại tụt thêm một chút, phô ra hai múi đít lỏng thỏng thâm sì. Ông già quýnh quáng kêu, “thôi khuya rồi nằm ngủ một giấc đi, có kẹt quá mai tao cho mượn ít chục ngàn…" nhưng có chút nào vô vọng. Thằng du đãng đó không quá cần tiền, nó cần làm gì đó vui vui, tối nay buồn quá. Giang Hồ Con ngoái lại cười đưa ra hàm răng đầy bợn vàng hơn cả đèn đường, rồi vẫy vẫy tay, “thằng này lo được…”.

Ông già thẩn thờ đứng nhìn theo nhưng thằng Giang Hồ Con không ngoái đầu lại. Nó hát ngêu ngao "Ngày lấy chồng em tưng tưng tưng tưng…" bằng thứ giọng phấn khích rạo rực. Rồi thì con hẻm chỉ còn tiếng huýt sáo của nó ngắc nga ngắc ngéo trên mảng hàng rào người ta cắm đầy miểng chai nhọn hoắc.

Ông già Khô Mực hay còn gọi là Ê Tẩm Quất hay Ê Vá Xe đã sống ngót chục năm trên đường phố, đã từng thấy máu không biến sắc, vết chém nào cũng đã ngó qua… giờ nghe sợ hãi. Trong thinh lặng ông nghe nước chảy leo lẻo bên dưới miệng cống. Âm thanh nước chảy luôn lừa mị ông, lúc nào cũng róc rách trong veo bất kể màu nước đen ngòm bốc mùi hôi thối. Tiếng nước nhẩn nha, lòng ông cồn cả, cảm giác như hồi chiến nằm trốn lính trong rừng mà ngóng về ấp chiến lược. Mấy đứa em và người con gái ông thương kẹt lại trong đó. Người sau này là vợ ông, và đã không còn ở bên ông từ đêm tân hôn cô thấy chồng mình hì hụi tìm dấu máu tươi trên giường cưới.

Chiều hôm sau khi quay trở lại chỗ ông già, thằng Giang Hồ Con nhăn nhở khoe lượm con ho lao quá dễ. Ông già nín thinh, ông biết tấm vách gá bằng thùng giấy và những tấm nhựa quảng cáo không ngăn nổi một cuộc cướp đoạt, giày vò. Đứa con gái đó sáng nay đã đi qua chỗ ông. Đi bộ. Hai tay xách hai giỏ tàu hủ đậu nành lặc lè xao xác. Chân xà bát. Vai oằn cô độc. Mất mát. Chắc con nhỏ đau đến nỗi không ngồi lên yên xe đạp được, ông nghĩ vậy, cái thằng bất nhân quá…

Giang Hồ Con không đọc được vận rủi của mình trong sự im lặng của ông già. Như không ngờ có một tối đang không ông già vấp té hất cái pít tông ngun ngút lửa vô trong lòng nó. Thằng nhỏ chẳng hiểu sao dây giày của nó lại bị vướng vào nhau. Cũng không hiểu ông già quýnh quíu kiểu gì mà đi lấy rượu dập lửa. Càng khó hiểu mấy chữ ông grừ grừ trong họng, "chết chết, thôi rồi, cháy tiêu cái công cụ cưỡng hiếp con gái nhà lành rồi…"

Đâu ! Hồi nào đâu ?! Nó chỉ lấy của con nhỏ chiếc xe đạp thôi mà, đó không phải thứ quý giá nhất của con nhỏ nghèo mạt đó thì là gì là gì ? Ông già mắc dịch tưởng là gì, giữa cái thời buổi này…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét