11.29.2011

Buồn buồn nói chuyện buồn chơi.

Nguyễn Ngọc Tư

1. Gặp cậu lần nào cũng ngó mình, rưng rưng, con Lam của cậu cùng tuổi với bây. Tuổi Tỵ. Tết này là ba mươi tròn. Rồi cậu lặng đi, trợn trạo nuốt ngụm trà như vừa uống nước mắt.

Đứa em họ có cái tên làm mình phải ghen tị hoài, bởi cảm giác Lam là cái gì đó rất êm đềm, dịu dàng, bảng lảng, mỏng manh, như lụa, như sương như khói, chẳng phải như tên mình, thô dày, nặng nề và có vẻ thách thức. Nghĩ vậy, nên đau nhói đôi lần, khi thấy Lam è ạch kéo xuồng qua đập, khi Lam trầm mình dưới bến sông làm bờ kè chống lở.

Lam lấy chồng sớm, ngày cưới mình, Lam đã hai con. Hiếm hoi, dịp cúng giỗ gặp nhau, giật mình khi Lam gọi mình bằng chế, đúng theo vai vế. Chưa đến nhà Lam nhưng cảm giác đã đến rồi, cũng lần dọc theo con sông miên man, rẽ vào mấy dòng kinh quanh co, sẽ đến một xóm nhỏ buồn buồn, với những hàng cau, bụi tre buồn buồn. Nhà cột cặm, hơi thấp, cũng buồn buồn. Cho đến một ngày buồn buồn, Lam tìm đến cái chết.

Mọi người vật ra, ngơ ngác, món nợ chưa đầy hai mươi triệu + bà mẹ chồng hơi khó tính + những mùa tôm cứ thất bát nối đuôi nhau + buồn = cái chết. Đơn giản như một bài toán trẻ con. Lam nằm lạnh ngắt, dửng dưng, hai đứa bé đứng ngơ ngác nhìn những người lớn đang thương khóc, mà chẳng hiểu làm sao họ khóc. Cảm giác của mình về một cái tên dường như đã sai ngay từ đầu, Lam dường như là lam lũ, cơ cực, cong oằn, cả cái chết cũng là cơn bão quăng quật tả tơi những người ở lại.


2. Diễm cũng hưởng dương hai mươi chín tuổi. Đứa bạn sung sướng từ lúc lọt lòng, nghe nói chưa bao giờ đi chân không trên đất. Học trường điểm từ hồi mẫu giáo, cấp một hai ba cũng vậy, vào đại học cũng thuộc loại danh tiếng, xênh xang. Chưa ra trường, gia đình đã thành lập một công ty kinh doanh máy văn phòng lớn, với đầy đủ nhân sự, chờ Diễm về. Công việc không chê được, người yêu cũng tuyệt, đúng chuẩn đẹp trai để thương nhớ, giàu có để lấy làm chồng.

Nên hôm Diễm than buồn mình đã bật cười, trời ơi, Diễm mà buồn thì mình biết làm sao. Diễm cười, héo hắt như người ta đơm sẵn nụ cười ở đâu đó, và Diễm lấy gắn vào môi. Một cơn buốt lạnh chạy dọc sống lưng, mình đã từng cười như thế, đúng là Diễm buồn, buồn như một căn bệnh. Không phải là buồn như mình vẫn thường rêu rao, “Trời ơi, sao không ai rủ tui nhậu, tui buồn muốn chết rồi nè”. Bệnh buồn là hổn hợp của những đổ vỡ, ngơ ngác, thảng thốt, vu vơ, ngớ ngẩn, lạc lỏng, mất mát, vô nghĩa, không phương hướng. Những cái buồn không nắm bắt được. Mù mịt. Vây bủa. Không biết lối nào để thoát khỏi nó.

Từ những buồn rời, không tan được vì thiếu lửa, buồn kết thành băng. Diễm chọn cái chết. Đơn giản hơn cả bài toán đơn giản nhất. Cái chết chỉ là buồn + buồn + buồn + nbuồn + vô tận buồn. Hôm tới tiễn nhau, mẹ Diễm không nói, chỉ nhìn mình, ánh mắt nhói lên, “tại sao lại là con mình, sao không là con bé xấu xí hom hem và phá phách, phiền phức này?”. Mình muốn giận bà, mà giận không xong, chỉ thương ngập lòng.


3. Những cơn buồn đã vùi Lam, Diễm vào đất cũng đã từng làm mình hoang hoải, điêu đứng, liêu xiêu. Như đã dìm một lớp người trẻ khác vào biển buồn, một thứ cạm bẫy mới, rất đáng sợ. Ở đó, những lời động viên, an ủi, công việc, tiền bạc… đều không có tác dụng, chúng chìm lỉm. Ai đó buông xuôi, ai đó vịn được bờ. Bến bờ là một cái gì đó tình cờ, đôi khi kết thành từ những vớ vẩn, bờ của mình là một thí dụ. Một loài cây trổ bông xanh. Một cao nguyên biền biệt đá, người sống trên đá, chết trên đá, cây cỏ mọc trên đá. Một vùng cát trắng khô cằn, những đàn bò gầy quắt mỏi mê tìm cỏ dưới cái nắng rát bỏng… Mình đã được đến những nơi ấy đâu? Mình đã trải nghiệm cảm giác … làm sui, nỗi đau nhói khi tiễn con về nhà chồng đâu?

Những nỗi đau của người đời, mình chưa kịp viết. Và còn quá nhiều người mình chưa được gặp, còn nhiều cuốn sách hay (mà dạo này lại có quá nhiều sách hay), nhiều bộ phim chưa xem…

Đến một ngày, đứng bên một dòng sông lạ, hay gấp lại một cuốn sách, thấy rưng rưng biết ơn chúng, có chúng nên qua bão buồn mình còn sống sót.

Và còn nhìn thấy màu xanh đã thẫm lại của tuổi ba mươi. Dù con đường đi đã vắng vài bóng người quen, họ mỏi mê, họ không đi tiếp nữa. Mình vẫn một mình bước tới.
NNT

11.19.2011

Những người chết bâng quơ


Nguyễn Ngọc Tư


Bữa đó trời chiều mát mẻ, trên đường đón vợ về, có đứa nhỏ chạy băng ra níu đầu xe và thảng thốt kêu ba ơi ba, con nhớ ba. Tất nhiên bạn đổ quạu xô nó ra, nạt ê mầy tính móc túi hả mậy. Tất nhiên đứa nhỏ tiu ngỉu tẽn tò bỏ đi. Chỉ là vụ nhầm lẫn mười mươi, đời này thiếu gì người giống người. Nhưng vợ bạn giàu tưởng tượng và mơ mộng, bắt đầu vẽ nên một câu chuyện vu vơ nhưng sẽ làm bạn mệt phờ, bởi một ý nghĩ quá sức quá sức quá sức ngớ ngẩn, biết đâu là con bạn thật.

Cái thằng nhỏ, kẻ gây ra vụ nhìn ẩu đó biết đâu đã quên tiêu, đã ngủ queo rồi. Nó chẳng biết có hai người lạ đang trằn trọc, tự thấy bị thương bởi một viên đá mà nó ném bâng quơ. Nhưng nghe mưa tưởng gió không phải là đặc quyền giành riêng cho đàn bà, chẳng phải có lần nàng lơ đãng khen chồng đứa bạn vừa giỏi vừa giàu, và bạn cũng nghe đau bầm vài khúc ruột.

Ba năm trước, mình viết chuyện một bà già lẩn thẩn có hai con tham gia hai bờ chiến tuyến, một đứa không về. Bữa kia bà già hỏi thằng con lớn sao lại bắn chết em bây. Mình lấy câu nói bâng quơ đó để dẫn dụ câu chuyện đi đến tận cùng của sự tan nát. Câu chỉ vài ba chữ, mà làm cả nhà điên đảo. Vài độc giả hỏi chuyện đó có thật không, mình hỏi lại, sao không ?  

11.03.2011

Ngôi nhà nhỏ nơi vườn xanh.




Con đến tìm bố tại ngôi nhà nhỏ trong vườn xanh - nơi mà những bóng nắng đua nhau soi mình trên nền lá. In lên cổ, mặt và cả trên đôi mắt lim dim chìm trong giấc ngủ no tròn. Con thích cái cảm giác dịu nhẹ khi về đây. Thương từng giây từng phút nhập tâm, con chờ nghe tiếng lít chít cãi nhau trên những nhành sa-pô nặng trĩu, để chợt thấy vui khi nhận ra chất giọng quen thuộc của một lũ chim quyên nào đó đang lúc nhúc tranh giành bói quả chín. Con yêu những cơn gió thổi từ đồng xa, ghì sát bên con tiếng lá ru xào xạc, ru cả hơi thở từ sông nước mát lành phà vào cái không khí oi ả của buổi trưa hè gắt nắng. Thanh bình là thế!


Con cúi chào bố bằng một nén nhang trầm, rồi thật lặng thật im con mỉm cười cùng bố. Bố ngồi sát bên, con biết bố luôn ngồi sát bên... Nhưng biết phải làm sao khi con không thể nhìn thấy bố bằng xương bằng hình. Con đã từng ước mình được sinh ra mà không bao giờ phải sống trong mỏi mệt, nhưng mệt mỏi và niềm đau muôn đời cứ bám đuổi theo con. Bố ơi, nước mắt đâu chỉ mặn mà còn có vị chua và đắng, đúng không?



Hãy yên lòng say giấc bố ơi, thi thoảng bố con mình lại gặp nhau, cùng nhâm nhi cafe, tại một quán trong mơ bố nhé! 


[Ken]


Dance with my father...